vết đời

Lần đầu tiên phải đi gặp ông, tôi rất lo sợ, vì nghe bảo ông là một người khó tính. Không những thế, đây còn là một cuộc gặp gỡ hệ trọng cho cả cuộc đời tôi, nếu không được ông chấp nhận, thì tình cảm của tôi cũng sẽ ít nhiều gặp chông gai, thử thách. Đứng trước một người đàn ông lớn tuổi, nghiêm nghị, tôi không khỏi bối rối và lo lắng. Tuy trong lòng có hơi run, nhưng tôi cố giữ bình tĩnh và lễ phép trong những câu chào. Ông hỏi tôi quê quán ở đâu, tôi ngơ ngáo:

– Dạ ba con quê ở ngoài Bắc, còn má con quê ở miền Trung.

Ông mồi thêm điếu thuốc:

– Tôi biết quê chị miền Bắc rồi, nhưng tỉnh nào.

Tôi vốn khờ ba cái vụ này, nên đáp tỉnh bơ:

– Dạ con cũng không nhớ tỉnh nào tên gì, chỉ biết là miền Bắc.

Hình như ông cười mỉm. Có lẽ ông nghĩ thầm con bé này trông vậy mà khờ quá. Ông gọi tôi là chị (và sau này ông vẫn gọi như thế). Ông hỏi tôi nhiều chuyện lắm, nhưng cái giọng miền Trung nằng nặng của ông đôi khi làm tôi rất khó hiểu. Mỗi khi như thế tôi đều cầu cứu người kế bên, ngỏ ý “thông dịch” dùm. Nghĩ cũng lạ, vốn liếng tiếng Việt của tôi tính ra cũng khá, nhưng đôi khi đụng phải một giọng nói địa phương nào đó thì tôi cũng khó mà hiểu hết được. Ông vẫn hút thuốc và xem tivi. Đó là thói quen rất thường của ông. Ngoài những giờ ăn giờ ngủ, thời gian còn lại ông đều làm bạn với cái tivi. Ông hay trầm ngâm, nghĩ ngợi nhiều hơn là nói, và cũng chính điểm đó làm cho chúng tôi hiểu là khó đến gần ông.

Mùa đông của xứ Bắc Âu với cái lạnh ghê da làm ai cũng sợ. Dù ở xứ sở này lâu rồi, nhưng tôi vẫn sợ cái giá băng đó mỗi mùa đông. Với tôi đã vậy thì với những người lớn tuổi, cái lạnh đó lại càng đáng sợ hơn. Riêng ông cũng thế, cả một mùa đông dài luẩn quẩn trong căn nhà mấy chục thước vuông. Muốn đi dạo đó đây cũng khó vì đường trơn trợt. Hơn nữa chỉ đi được vài bước thì cái lạnh đã thấm vào da, nên quay trở về. Chờ cho hết mùa đông, khi những giọt nắng rủ nhau về bên song cửa, ông lại ra vườn nhổ cỏ để trồng rau. Những luống rau ông trồng theo từng giọt nắng xanh tươi, mơn mởn. Con cái đến thăm, ông lại hái cho vài bó mang về.

Ngày tháng dần trôi, tuổi đời chồng chất, sức khỏe cũng yếu dần đi. Mỗi khi trời trở lạnh ông hay thường ho. Con ông thấy vậy khuyên ông nên bỏ thuốc, ông bình thản đáp:

– Bố làm bạn với thuốc lá cả mấy chục năm nay rồi, vui buồn có nhau, nên có chết vì nó thì bố cũng không bỏ được.

Mỗi khi tôi về thăm, ông thường kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe, và đặc biệt ông hay nhắc đến Đức Mẹ. Đôi khi ông nhìn pho tượng Đức Mẹ chăm chăm và quả quyết rằng trên đời này không có một người phụ nữ nào mà đẹp như Đức Mẹ. Đó chỉ là pho tượng thôi, chứ nếu Đức Mẹ thật thì còn đẹp hơn gấp trăm ngàn lần. Ông kể cho tôi nghe khi Đức Mẹ cứu ông, vào những ngày bão giông trên biển. Không những một lần mà rất nhiều lần như thế. Những câu chuyện ông kể dường như quá xa vời với tôi nên tôi không thể hình dung được, nhưng đối với ông lại là tất cả những niềm xác tín.

Có lẽ mọi người xung quanh cho rằng ông là một người khó tính, nhưng càng đến gần, tôi càng hiểu ông hơn và nhận ra rằng ông không khó tính chút nào, hay nói đúng hơn thì ông chỉ khó đối với con cái của ông. Cũng dễ hiểu thôi, vì cha mẹ nào lại không muốn con cái của mình nên người, mà muốn được như thế thì đôi khi họ cần phải nghiêm nghị, luật lệ, cứng rắn, và những thứ ấy cộng lại thì người đời hay nói kiểu bình dân là khó tính. Cột trụ của gia đình mười mấy người con, nếu không khó thì chắc hơn nửa bàn tay sẽ trở nên hư hỏng. Gia đình ông đến ngày nay, mười mấy người con ai cũng thành danh trên đường đời. Nếu bị mang tiếng là “khó” mà con cái thành công, thì tôi cũng sẽ chịu chấp nhận mang tiếng như ông vậy.

Trong căn nhà ông có những câu chuyện khúc mắc mà hơn mười năm rồi tôi vẫn không sao hiểu được. Một hôm đánh bạo hỏi ông, thì ông ôn tồn kể cho tôi nghe mọi chuyện. Ông kết thúc bằng một câu mà tôi nhớ mãi:

– Trong mười mấy đứa con mà không đứa nào dám hỏi, con dám hỏi là con can đảm lắm đấy.

Tôi nghĩ đó là một câu khen tặng ông dành cho tôi, và cho dù không phải thì tôi vẫn nhận đấy như một lời khen tặng, vì ông gọi tôi là con. Và từ đó tôi cảm nhận được sự gần gũi hơn, cảm thông với ông hơn.

Khi hay tin ông mắc phải một chứng bịnh nan y thì con cháu trong nhà đều chưng hửng, hay nói đúng hơn thì không tin đó là sự thật, vì sức khỏe của ông vẫn còn rất tốt. Chính ông cũng không tin điều này. Ông bảo ông không cảm thấy đau đớn gì cả, chỉ là giọng nói của ông bị khàn đi và nói không ra hơi. Ông vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn hút thuốc và xem tivi. Vài tháng sau ông cảm thấy đau hơn và bắt đầu uống thuốc như lời bác sĩ căn dặn. Ông vẫn không tin rằng mình sẽ chết, hoặc ông không chấp nhận cái chết sẽ đến với ông? Tôi đến thăm ông vào những ngày cuối, thấy ông ốm nhiều và tiều tụy hẳn đi. Ông không còn nói ra tiếng, chỉ gật đầu khi tôi đến chào và hỏi thăm. Bất chợt tôi cảm thấy như mình bị ngọng, ấm a ấm ớ nói không ra lời. Tôi sẽ nói gì với ông đây, chẳng lẽ lại cứ hỏi ông có khỏe không, trong khi tôi biết rõ rằng ông không khỏe. Mà nói gì, hỏi gì cũng chỉ trở nên thừa mà thôi. Ông ngồi trên giường bịnh, thân thể sắp quỵ tàn nhưng ánh mắt vẫn tinh anh. Tôi cầm tay ông, và ông nhìn tôi như hiểu được nỗi lòng tuy tôi không nói gì cả. Đến bây giờ thì tôi chỉ còn nhớ một điều duy nhất mà ông và tôi đều đồng ý, là mọi sự sẽ có Chúa và Mẹ lo.

Những hạt tuyết trắng vẫn âm thầm rơi xuống, làm trắng xóa cả khung trời. Người người khắp đó đây đang vui mừng và bận rộn với những món quà trao nhau trong ngày đại lễ mừng Con Thiên Chúa giáng sinh. Ông vẫn nằm đó, bên những lời kinh vang vọng khắp gian phòng. Tôi không có mặt bên ông trong giờ phút cuối, tự dặn lòng như thế, vì tôi muốn giữ mãi hình ảnh sống động và ánh mắt tinh anh của ông trong từng câu chuyện ông kể, trong từng lời ông nói, và nụ cười mỉm của ông (vì ông không bao giờ cười to). Theo lời kể thì ông đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng một ngày trước đêm Chúa Ngôi Hai giáng thế.

Tuyết vẫn rơi rơi, người người vẫn đón Giáng Sinh trong niềm hân hoan vui vẻ, nhưng đối với gia đình ông thì Giáng Sinh năm nay và những năm kế tiếp sẽ không thể nào giống những mùa Giáng Sinh của những năm tháng ngày xưa.

Tôi về để tang ông. Hằng năm, mỗi khi về thăm ông, tôi vẫn đến dự lễ tại thánh đường này, và vẫn nhủ thầm: “cái nhà thờ sao lúc nào cũng lạnh như chùa Bà Đanh.” Không phải chỉ lạnh vì thời tiết, hay cách kiến trúc của thánh đường, nhưng vì ở đây rất ít người đi lễ, nên những băng ghế thênh thang. Nhưng hôm nay, trong ngôi thánh đường này, người về tiễn đưa ông đông đến nỗi không còn chỗ ngồi. Khi thấy mấy anh vội vàng lấy thêm ghế cho quan khách ngồi, tôi mới cảm nghiệm được rằng, con người có thể vĩnh viễn ra đi, nhưng tình thương thì vẫn muôn đời ở lại, nhất là đối với những người biết chân thành đón nhận và gìn giữ nó.

Đêm giao thừa, tôi trở lại nghĩa trang, thắp cho ông một ngọn nến. Trong ánh nến lung linh, tôi đã gởi đến ông một lời tâm sự cuối cùng:

– Bố ơi, từ bây giờ bố không cần phải nhìn ngắm Đức Mẹ bằng pho tượng nữa, vì chẳng bao lâu nữa đâu, bố sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Mẹ tuyệt vời trên nước Thiên Đàng.

Thi Hạnh

4 thoughts on “vết đời

  1. “Trong căn nhà ông có những câu chuyện khúc mắc mà hơn mười năm rồi tôi vẫn không sao hiểu được. Một hôm đánh bạo hỏi ông, thì ông ôn tồn kể cho tôi nghe mọi chuyện. Ông kết thúc bằng một câu mà tôi nhớ mãi:”

    Uả thấy có hỏi câu gì đâu? khi typing có sót câu nào hông dzậy, H?

    • uả, vậy sao nguời đọc đoán đó là câu gì?? khúc mắc gì?
      làm ơn cho fan biết được chứ?

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.